Mầm Non và AI: Sáng tạo có trách nhiệm
Bố mẹ hay thầy cô biết AI và sáng tạo cùng AI tạo ra những minh hoạ thật sinh động cho con. Điều này thật tuyệt vời nhưng cũng không quên có những lưu tâm khi sáng tạo.
Vừa qua ngày 28/02/2025, tôi đã có cơ hội quý được chia sẻ cùng hơn 200 thầy cô mầm non của Quận Hai Bà Trưng về chủ đề "Ứng dụng AI trong Dạy và Học". Không gian hội trường sôi nổi và tràn đầy sự tò mò, nhiệt huyết từ những người làm công tác giáo dục mầm non - những người đang ngày ngày chăm sóc, nuôi dưỡng những búp măng non của đất nước.
Búp măng trên cành và làn sóng công nghệ
Tôi luôn tin rằng, trẻ mầm non như những búp măng non trên cành - mềm mại, nhạy cảm và chứa đựng tiềm năng vô hạn. Trong kỷ nguyên số hóa hiện nay, AI (Trí tuệ Nhân tạo) đang dần hiện diện trong mọi lĩnh vực, kể cả giáo dục mầm non. Tuy nhiên việc có những sự tiếp cận đúng ngay từ đầu dành riêng cho các những giáo viên mầm non thì dường như còn quá ít. Chị Hương ban tổ chức sự kiện từ Phòng Giáo Dục Quận Hai Bà Trưng đã chia sẻ những tâm tư này, và mong có một cách thức để các sự kiện thế này được nhân rộng thêm.
Kinh nghiệm đào tạo và ứng dụng AI hơn 2 năm qua, tôi hi vọng chia sẻ những trải nghiệm thực của mình, không lý thuyết nhiều. Qua buổi chia sẻ, tôi đã giới thiệu với các thầy cô những công cụ AI nổi bật như ChatGPT, Claude, Gemini, và các công cụ chuyên biệt như Midjourney, Gamma, Vbee để hỗ trợ sáng tạo nội dung dạy học. Rõ ràng ở tuổi các con, việc các giáo viên có thêm sự sáng tạo theo những cách sinh động thực sự là quan trọng.
Hành trình ba giai đoạn với AI
Với kinh nghiệm đào tạo AI cho nhiều đơn vị từ Tập đoàn Panasonic Việt Nam, BV199 Bộ Công An đến các tổ chức giáo dục, tôi thường chia quá trình làm quen với AI thành ba giai đoạn rõ rệt:
Làm quen: Hiểu về các tính năng cơ bản và thao tác ban đầu
Làm bạn: Hiểu sâu hơn và có những sáng tạo ban đầu
Làm chủ: Huấn luyện chuyên sâu cho các tác vụ phức tạp
Đối với giáo viên mầm non, việc nắm vững những kỹ thuật "huấn luyện" AI qua MEGA PROMPT và cấu trúc Prompt "Hai Bà Trưng" có thể mở ra vô vàn khả năng sáng tạo trong việc thiết kế giáo án, tạo tài liệu trực quan, thậm chí sáng tác những bài hát, câu chuyện phù hợp với trẻ nhỏ.
Sáng tạo kèm trách nhiệm
Điều tôi nhấn mạnh xuyên suốt buổi chia sẻ là: "Bố mẹ và thầy cô khi dùng AI có thể sáng tạo cùng con nhiều điều, nhưng cũng vì sự sáng tạo tưởng chừng không giới hạn đó, cũng nên đi đôi với trách nhiệm và một nếp sống tỉnh thức."
Tôi đã thảo luận với các thầy cô về bốn yếu tố cần đặc biệt quan tâm khi áp dụng AI trong giáo dục mầm non:
Bảo mật dữ liệu: Thông tin của trẻ em cần được bảo vệ nghiêm ngặt
Thiên vị thuật toán: Cần nhận diện và khắc phục các thiên kiến tiềm ẩn
Hợp tác giữa giáo viên và AI: Coi AI là trợ thủ, không phải người thay thế
Sự tham gia của trẻ: Đảm bảo công nghệ không làm giảm các tương tác trực tiếp
Điều AI không thể dạy được
Câu hỏi lớn mà tôi đặt ra cho các thầy cô: "Đâu là điều AI không dạy được trẻ mầm non?" Câu trả lời nằm ở hai khía cạnh quan trọng:
Dạy con phẩm chất anh hùng
Dạy con văn hóa Việt Nam
Khoảnh khắc xúc động nhất của buổi chia sẻ là khi tôi bật video về bà Xuân Phượng - cụ bà 96 tuổi chia sẻ về "anh" Trần Đại Nghĩa.
Tôi chọn clip này với hai lý do đặc biệt:
Quận Hai Bà Trưng có một đường rất lớn tên Trần Đại Nghĩa
Và quan trọng hơn: "Chẳng AI nào kể được chuyện văn hóa nước ta dân tộc ta hay hơn chúng ta - những người đam mê văn hóa cả."
Kết nối và sự đồng cảm
Sau buổi chia sẻ, chỉ kịp nhận một câu hỏi từ cô giáo trường mầm non Quỳnh Mai: "Em chỉ xin Thầy chia sẻ số điện thoại để chúng em có cơ hội nhờ cậy Thầy thêm". Cả hội trường nhiều thầy cô vỗ tay tán đồng, khiến tôi thực sự xúc động trước sự nhiệt tình và khát khao học hỏi của các thầy cô.
Tôi biết ơn chị Giáng Hương, chị Huyền Bùi của Mầm non Song ngữ Emilia Elite, anh Vi Công Nam CEO SchoolUp đã kết nối duyên lành này để tôi có cơ hội được chia sẻ với những người đang ngày ngày vun đắp tương lai của đất nước.
Tầm nhìn và định hướng
Khi nhìn về tương lai của giáo dục mầm non trong thời đại AI, tôi luôn tin vào một định hướng rõ ràng: Sáng tạo để các con thêm sáng tạo trên nền tảng yêu văn hóa gia đình, văn hóa quê hương, văn hóa dân tộc.
AI là công cụ mạnh mẽ, nhưng không thể thay thế được những giá trị cốt lõi mà chỉ con người mới có thể truyền tải. Trong kỷ nguyên số, chúng ta càng cần chú trọng đến việc nuôi dưỡng những giá trị văn hóa, tình yêu quê hương đất nước trong tâm hồn trẻ thơ.
Khi AI và con người cùng sáng tạo có trách nhiệm, chúng ta đang xây dựng một tương lai nơi công nghệ và văn hóa cùng song hành, nơi những mầm non sẽ phát triển toàn diện, vừa hiện đại vừa giữ được bản sắc dân tộc.
Và đó chính là điều tôi mong muốn chia sẻ đến các thầy cô giáo mầm non - những người đang ươm mầm tương lai của đất nước.
Lương Tiến Hiệp
Coach Tư Duy Hệ Thống
28/02/2025